Bạn muốn được đi du lịch Châu Âu trong một ngày gần nhất nhưng lại chưa có kinh nghiệm để làm được visa Schengen, hoặc trong quá trình làm thủ tục xin visa thì phát sinh một vài thắc mắc, hoặc bạn muốn tìm hiểu thêm về những quy định khi sở hữu loại visa này, thì bài viết hôm nay chính xác là dành cho bạn rồi đấy. Bài viết này Á Châu sẽ không đề cập đến thủ tục xin visa Schengen, mà chúng tôi chỉ nói về các vấn đề, thắc mắc của đại đa số các khách hàng trong quá trình xin visa cũng như khi sở hữu chúng mà thôi. Nào, cúng ta bắt đầu thôi!
Để được cấp visa Schengen cần có những điều kiện gì?
Tùy vào nước bạn đến nộp hồ sơ và loại visa nên sẽ có những yêu cầu khác nhau về thủ tục. Bạn nên tham khảo trước những loại giấy tờ cần nộp (bằng cách gọi đến nơi bạn sẽ nộp hồ sơ hoặc tìm hiểu trên mạng). Các cơ quan này sẽ cung cấp thông tin cho bạn bằng bản ngữ.
Cơ quan nhận hồ sơ sẽ xác minh bạn có phải là nguy cơ gây hại cho an ninh quốc gia, quan hệ quốc tế hay an sinh cộng đồng không? Bạn đã từng bị từ chối cấp visa Schengen chưa? Rủi ro từ mục đích chuyến đi và việc lưu trú bất hợp pháp sẽ được cân nhắc.
Những lý do phổ biến nhất khi xin làm visa Schengen là gì?
– Du lịch
– Công tác
– Thăm thân nhân/bạn bè
Tùy vào mục đích chuyến đi, bạn sẽ được yêu cầu cung cấp những giấy tờ tương ứng như:
– Giấy tờ chứng minh việc bạn sẽ về nước (thư bảo lãnh của công ty hay những bằng chứng khác)
– Xác nhận đặt phòng, thư mời của cá nhân được hợp thức hóa hay giấy bảo lãnh của đối tác kinh doanh
– Bằng chứng bạn có khả năng trang trải cho việc đi lại và chi phí ăn, ở cho suốt chuyến đi
– Bảo hiểm du lịch bao gồm chi phí hồi hương, phí chăm sóc y tế, phí nhập viện trong trường hợp khẩn. Gói bảo hiểm phải có giá trị bồi hoàn tối thiểu là €30,000, cho toàn khối Schengen và trong suốt chuyến đi của bạn.
Nên làm visa du lịch Schengen ở Đại sứ quán nước nào?
Ngoại trừ Pháp, Italy, Hà Lan và Tây Ban Nha còn phần lớn các nước trong khối Schengen không chấp nhận cấp visa du lịch tự do cho công dân Việt Nam mà cần có giấy mời của người bảo lãnh. Vì vậy, nếu muốn làm visa du lịch Schengen, bạn có thể đến Đại sứ quán hoặc trung tâm tiếp nhận visa của một trong 4 nước này tại Hà Nội hoặc TP Hồ Chí Minh. Bạn cần lưu ý thêm rằng: khi làm thủ tục giấy tờ, nếu bạn nộp đơn xin cấp visa ở Đại sứ quán nước nào thì nước đó phải là điểm đến đầu tiên (first destination) trong khối Schengen hoặc là nơi lưu trú dài ngày nhất trong chuyến đi (main destination).
Nguyên tắc khi làm visa du lịch Schengen là các nước Bắc Âu thì khó hơn Nam Âu. Trong các nước Nam Âu thì xin ở Pháp, Tây Ban Nha không có gì khó khăn, trừ việc Tây Ban Nha phải thị thực hóa hộ khẩu và các giấy tờ khác nên mất công hơn. Tuy vậy, nếu xin Tây Ban Nha thì bạn hoàn toàn có thể xin bất kỳ ở đâu, Hà Nội và TP Hồ Chí Minh. Với Pháp thì nơi nộp hồ sơ sẽ phụ thuộc vào nơi cấp hộ chiếu. Nếu hộ chiếu của bạn được cấp ở Hà Nội (dù bạn sống ở TP Hồ Chí Minh), bạn vẫn phải nộp hồ sơ visa ở Hà Nội. Hộ chiếu cấp tại các tỉnh thành khác phụ thuộc vào vùng miền.
Thẩm quyền quyết định trong việc cấp visa Schengen?
Hầu hết các cơ quan ngoại giao có thẩm quyền tự xét duyệt đơn. Nhưng kể từ khi visa Schengen có giá trị sử dụng cho 26 quốc gia, một số quốc gia yêu cầu: với công dân của một số nước, phải khai báo hoặc tham khảo ý kiến của họ trước. Qui trình này có thể mất 7 ngày; do vậy, bạn nên dự trù thêm thời gian khi nộp hồ sơ. Bạn cũng nên xem thêm danh sách công dân của những quốc gia phải theo yêu cầu này (một danh sách yêu cầu ‘khai báo’ một và danh sách yêu cầu ‘tham khảo ý kiến’.
Visa Schengen có giá trị trong thời gian bao lâu?
Thông thường Visa sẽ được cấp trong khoảng thời gian bạn xin, với giá trị tối đa là 90 ngày cho thời hạn sử dụng 180 ngày. Thông tin trên nhãn visa sẽ thể hiện bạn được phép lưu trú trong khối Schengen trong bao lâu, ngày hiệu lực và hết hạn của visa. Sau thời hạn đó, visa sẽ không còn giá trị. Do vậy, bạn nên tính đến khả năng chuyến đi của mình có thể bị trì hoãn. Đừng khởi hành vào ngày cuối trước khi visa hết hạn mà nên dự phòng thêm vài ngày.
Hộ chiếu có được đóng dấu khi xin visa Schengen không?
Đúng vậy. Cơ quan ngoại giao nơi bạn xin visa sẽ đóng dấu vào trang trống đầu tiên trong hộ chiếu của bạn với những thông tin sau:
+ Loại visa, chẳng hạn như loại A (quá cảnh sân bay), loại C (ngắn hạn) hoặc D (dài hạn)
+ Ngày nộp hồ sơ (ngày/tháng/năm)
+ Mã nước nhận hồ sơ (mã của Hà Lan là ‘NL’)
+ Theo thông lệ, nhãn (sticker) sẽ được dán che lên con dấu này khi bạn được cấp visa.
Cần làm gì khi hồ sơ xin visa Schengen bị từ chối?
Nếu hồ sơ làm visa Schengen của bạn bị từ chối, bạn sẽ nhận được bản sao quyết định có giải thích lý do. Trong vòng 4 tuần kể từ ngày ra quyết định, bạn có thể khiếu nại quyết định này bằng văn bản (không giải quyết email, địa chỉ gởi sẽ được nêu trong thư). Bạn cũng có thể ủy quyền người khác khiếu nại thay hoặc đại diện cho bạn tại các phiên tòa. Người này phải được bạn ký giấy ủy quyền (bằng tiếng Pháp, Hà Lan hoặc Anh).
Thủ tục khiếu nại thường mất khoảng vài tháng. Cơ quan chức năng cấp visa sẽ xem xét khiếu nại của bạn. Nếu được duyệt, cơ quan ngoại giao sẽ được phép cấp visa. Nếu không, bạn sẽ nhận được thư giải thích lý do tại sao khiếu nại của bạn không được xem xét.
Cần mang theo giấy tờ gì khi đi du lịch bằng visa Schengen?
Khi đi du lịch đến các nước trong khối bằng visa du lịch Schengen, bạn nên nhớ mang theo bản sao của tất cả giấy tờ hoặc bằng chứng mà bạn đã sử dụng để xin visa. Visa du lịch Schengen không cho bạn quyền mặc nhiên vào các nước trong khối, bạn vẫn có thể bị yêu cầu cung cấp giấy tờ, thông tin liên quan đến nguồn tài chính cũng như thời gian và mục đích trong chuyến đi của bạn.
Có những trường hợp nào không được cấp visa Schengen?
– Những trường hợp không được cấp visa Schengen mới trong thời gian 5 năm:
+ Khi lưu trú ở một trong các quốc gia quốc gia thuộc khối Schengen quá thời hạn ghi trong visa hơn một tháng mà không có giấy phép (trừ khi bạn có thể cung cấp tài liệu chứng minh rằng việc ở quá hạn là vì những hoàn cảnh nằm ngoài tầm kiểm soát của bạn) ;
+ Nếu bạn bị trục xuất ra khỏi một quốc gia trong khối Schengen;
+ Nếu xin tị nạn ở một nước Schengen.
Nếu bạn nộp đơn xin những loại giấy phép cư trú nhất định tại quốc gia trong khối Schengen thì theo qui định, việc nộp hồ sơ xin đoàn tụ với vợ/chồng sẽ không bị áp dụng mức phạt này.
– Trường hợp không được cấp visa Schengen mới trong thời gian 3 năm; Khi lưu trú ở một trong các quốc gia quốc gia thuộc khối Schengen quá thời hạn ghi trong visa hơn một tháng mà không có giấy phép (trừ khi bạn có thể cung cấp tài liệu chứng minh rằng việc ở quá hạn là vì những hoàn cảnh nằm ngoài tầm kiểm soát của bạn).
Cách đọc thông tin trên tờ dán thị thực như thế nào?
“DURATION OF STAY …DAYS” : chỉ số ngày mà bạn có thể lưu trú tại khu vực Schengen. Số ngày này được tính kể từ ngày bạn vào khu vực Schengen (theo dấu nhập cảnh) và đến ngày bạn rời khỏi khối Schengen (dấu xuất cảnh).
Khoảng thời gian giữa “FROM …UNTIL” thường dài hơn số ngày được in ở phần “DURATION OF STAY …DAYS”. Mục đích của việc này là giúp cho bạn linh hoạt hơn trong việc lên kế hoạch cho việc nhập cảnh và xuất cảnh ra khỏi khu vực Schengen của bạn, nhưng thời gian lưu trú của bạn tại khu vực Schengen không bao giờ được vượt quá số ngày chính xác trong phần “DURATION OF STAY …DAYS”. Cũng xin lưu ý rằng cho dù bạn lưu trú trong khối Schengen bao nhiêu ngày, bạn cũng không được phép xuất cảnh muộn hơn so với ngày được in ở phần “UNTIL” trên thị thực.
Trên đây là 10 trong số các thắc mắc mà Á Châu thường giải đáp cho khách hàng của mình, có thể số 10 câu hỏi và giải đáp trên là quá ít so với những vướng mắc mà các bạn muốn biết về visa Schengen ở hiện tại. Nhưng vẫn có cách là các bạn hãy gửi thư hoặc liên hệ trực tiếp với Á Châu để chúng tôi có thể tư vấn và hỗ trợ cho trường hợp của bạn cách chính xác và rõ ràng hơn. Hãy liên hệ với chúng tôi nếu bạn cần sự trợ giúp nhé!
Công ty Visa Á Châu
Địa chỉ: 266/14 Hoàng Hoa Thám, phường 12, quận Tân Bình, TP.HCM
Hotline: 0988.011.249
Email: lienhe@achau.net