Đối với các cô dâu Đài Loan, xen lẫn với sự mong chờ, hồi hộp, hạnh phúc….vì sắp được quay về quê hương sau thời gian xa cách là những nỗi niềm khó có thể bày tỏ cùng ai. Đôi khi chúng biến thành gánh nặng, là nỗi ám ảnh với những ai đang có kế hoạch về Việt Nam thăm người thân sau thời gian xa cách.
Từ câu chuyện thực tế của cô dâu xứ Đài
4 năm kể từ khi lấy chồng Đài Loan, tôi mới về thăm quê. Tuy nhiên sau lần trở về ấy, mỗi lần nghĩ đến chuyện trở lại Việt Nam, tôi lại thấy ngại ngùng.
10 năm trước, vì nhà nghèo tôi quyết định sang Đài Loan với hy vọng đổi đời. Để sang được đây, tôi lựa chọn con đường kết hôn với người bản xứ. Tôi vẫn nhớ, ngày đầu tiên đến nhà chồng, tôi suýt rơi nước mắt. Tôi cứ tưởng khi đến xứ người, cuộc sống của tôi sẽ tốt hơn nhưng không ngờ, căn nhà nơi tôi về làm dâu còn tồi tàn hơn căn nhà của bố mẹ tôi ở Việt Nam.
Trong nhà, chồng tôi là anh cả. Dưới anh còn 2 cô em gái nhưng 2 cô em này vô cùng lười biếng. Bố mẹ anh lại khó tính nên tôi rất nản. Tôi nuôi ý định trốn về Việt Nam khi có cơ hội. Thế nhưng càng sống, tôi lại càng thấy gắn bó với chồng hơn. Anh cư xử với tôi rất tốt. Anh cũng luôn là người bênh vực tôi mỗi khi tôi phải chịu thiệt thòi.
2 tháng sau khi sống chung, tôi mang thai đứa con đầu tiên của anh. Vậy là cơ hội về Việt Nam của tôi đã không còn nữa. Tôi buộc phải lên kế hoạch phát triển kinh tế và bám trụ ở đây.
Tôi bàn với chồng mở một cửa hàng tạp hóa nhỏ để buôn bán kiếm lời nhưng nhà chồng tôi không có tiền. Khả năng vay mượn của anh cũng không có. Vì vậy kế hoạch của tôi bị phá hủy.
Khi tôi mang thai đến tháng thứ 4, anh xin được việc ở một công ty điện tử cách nhà chừng 5 km. Tôi không xin được việc nên dành thời gian cho việc nhà và học tiếng bản địa.
Đồng lương của anh lúc đó được chừng 4 triệu tiền Việt Nam nên kinh tế gia đình tôi rất eo hẹp. Tôi không thể có tiền để gửi về cho gia đình, càng không thể về nước thăm bố mẹ.
Vài năm sau, đời sống kinh tế của hai vợ chồng tôi khá hơn trước. Tôi xin được việc hộ lý ở một bệnh viện nhỏ còn chồng tôi tích cực tăng ca. Thu nhập mỗi tháng của hai vợ chồng khoảng 14 triệu VNĐ. Với số tiền đó, tôi chi phí eo hẹp trong khoảng 8- 9 triệu. Còn lại, tôi tích cóp và lên kế hoạch đưa chồng con về Việt Nam thăm bố mẹ, họ hàng.
Ai cũng có “quà”
Cuối năm đó, tức là 4 năm kể từ khi tôi lấy chồng Đài Loan, tôi đã thực hiện được kế hoạch của mình. Tuy nhiên, sau lần trở về ấy, mỗi lần nghĩ đến chuyện về Việt Nam, tôi lại thấy rùng mình.
Tiền vé và đi lại của 2 vợ chồng cùng 1 đứa con chỉ tốn khoảng hơn 20 triệu đồng nhưng tiền quà cáp, biếu xén trong chuyến đi đó thì quá khủng khiếp. Ngoài một lượng lớn hoa quả, bánh kẹo tôi đưa được từ Đài Loan về biếu người thân, bố mẹ tôi còn phải khuân gần hết số bánh kẹo của một cửa hàng bách hóa về cho tôi đi tặng.
Số bánh kẹo ấy nhiều đến mức, tôi để đầy ở một căn phòng. Tiền chè thuốc, bánh kẹo thanh toán cũng đã lên đến con số gần chục triệu.
Số tiền đó, tôi không tiếc vì họ hàng nhà tôi đông, đếm sơ sơ cũng phải 30 – 40 hộ. Thế nhưng, điều khiến tôi thấy khó chịu là tất cả những người họ hàng mà tôi gặp, không ai hỏi đến cuộc sống của tôi ở xứ người ra sao, có vất vả không? Câu hỏi của họ chỉ là: Mỗi tháng kiếm được bao nhiêu và mang về cho bố mẹ được bao nhiêu tiền?
Thậm chí, bà cô ruột của tôi, sau khi nhận được gói quà là 1 hộp bánh Việt và một gói kẹo tôi mang về từ Đài còn bĩu dài mỏ. Chỉ đến khi tôi rút 2 tờ 500 nghìn ra biếu thì mới tươi tỉnh hồ hởi.
Những người trong làng thấy tôi về cũng kéo đến chơi. Tôi mang bánh kẹo, hoa quả và cả bia, nước ngọt ra mời. Họ vừa ăn vừa chẹp miệng: “Mang tiếng Việt kiều mà quà cáp sơ sài thế này thôi à?”
Tôi nghe 2 tiếng Việt kiều mà thấy chát chúa. Chắc họ nghĩ, tôi đi nước ngoài thì chỉ việc nhặt tiền về tiêu chứ không phải làm việc vất vả. Sao không có ai biết, để có được đồng tiền ở xứ người, tôi cũng khổ cực trăm bề…
Cái tiếng “đi nước ngoài”, cái mác “Việt kiều”
Người thân ở quê nhà luôn mặc định một điều “đi nước ngoài, lấy chồng ngoại ắt giàu có, tiền bạc, quà cáp mang về phải rủng rỉnh”. Nhiều người tặc lưỡi rằng tiền Việt mất giá, chứ kiếm tiền ở bên kia vừa dễ vừa có giá, đổi sang tiền Việt thì thỏa sức tiêu pha. Họ đâu biết rằng theo quy luật thị trường, những cô gái Việt làm dâu xứ Đài cũng làm đâu tiêu đó, giá trị đồng tiền tương đương với thị trường mà nó phải chi tiêu thì mức lương đó chỉ đảm bảo cuộc sống tối thiểu cho một gia đình gồm vợ chồng và các con nhỏ ở nước sở tại. Việc thanh minh có vẻ khó bởi có một lý do đơn giản không thể làm thay đổi tư duy cố hữu của một lớp người đó là thói sĩ diện của một bộ phận Việt kiều về nước.
Mang tiếng “lấy chồng Đài Loan”, mà trở về quê hương kể lể chuyện tiền nong khốn khó nghe chừng mất mặt quá. Thôi thì dăm bảy năm mới có một lần về, nhiều người cố gồng mình thể hiện sao cho oai. Thế là để thực hiện một chuyến về quê, đôi khi người trong cuộc phải tiết kiệm hàng năm trời, phải thực hiện bài toán kinh tế thật chính xác và chi li, sao cho khoản nào ra khoản nấy. Dù chi phí sinh hoạt hằng ngày đắt đỏ, họ quyết không lạm chi vào số tiền để dành cho một lần về Việt Nam.
Kết
Sống ở nước ngoài chưa chắc đã sướng, “Việt kiều” chưa chắc đã có nhiều tiền, đặc biệt trong trường hợp đây là những cô gái Việt làm dâu xứ Đài. Đôi khi chúng ta phải sống trong hoàn cảnh của họ, chúng ta mới biết rõ họ cũng rất cơ cực để lao động kiếm ra đồng tiền để nuôi thân, và thi thoảng gói ghém gửi về cho gia đình. Thậm chí là khổ hơn cả những người đang sống tại quê hương.
Thẳng thắn mà nói, họ không phải là cái máy in tiền, cũng không phải bỗng dưng tiền từ trên trời rơi vào tay họ, họ cũng như bất kỳ ai đang lao động vất vả để nhận từng đồng lương. Có thể đồng lương này cao thật, nhưng cao hơn so với ở Việt Nam nhưng hoàn toàn chỉ ở mức bình dân tại quốc gia mà họ sinh sống. Vậy thì không lý gì chúng ta lại khiến họ cảm thấy nặng nề hơn mỗi khi có ý định về quê nhà thăm gia đình, bè bạn thông qua những yêu cầu mua quà cáp, mua này mua kia,… hay thậm chí là mặc định Việt kiều hồi hương là phải chi trả mọi cuộc ăn chơi họp mặt.