Đầu tiên phải khẳng định rằng, nước biển cũng giống như nước bình thường, hoàn toàn trong suốt, không có màu. Màu nước biển mà ta nhìn thấy ban ngày thực chất ra đó là sự phản chiếu ánh sáng Mặt trời tạo thành mà thôi. Còn vào ban đêm, thay vì phần lớn màu đen, ở một số địa điểm cụ thể trên Trái đất, du khách sẽ được chiêm ngưỡng màu nước biển xanh dạ quang trào lên qua từng đợt sóng xô vào bờ cát. Đây chính là hiện tượng làn sóng phát dạ quang xanh.
Mỗi khi màn đêm buông xuống, nhiều bãi biển trên thế giới diễn ra hiện tượng thiên nhiên kì thúc cực kì đặc biệt, đó là biển phát sáng, mọi người thường hay nói vui là “bãi biển đầy sao”. Hiện tượng này được nhắc đến nhiều khi gắn liền với những du khách đã từng du lịch tại đảo Vaadhoo thuộc quần đảo Maldives.
“Blue Tears” là tên gọi thân quen của một bãi biển trên đảo Vaadhoo. Ban ngày, bãi biển khá bình lặng với bờ cát dài. Khi đêm xuống, mỗi khi sóng tràn tới hàng triệu đốm sáng xanh lam nhỏ lấp lánh như dạ quang xanh giống hệt cảnh tượng của các bộ phim viễn tưởng, đó là những ánh sáng phát ra từ nước biển.
Nhiều người sẽ nghĩ cảnh tượng biển phát sáng chỉ xuất hiện trong những bộ phim khoa học viễn tưởng hoặc hoạt hình, song trên thực tế nó thường xuyên xảy ra trên đảo Vaadhoo, Newscientist cho biết. Nước biển phát sáng bởi sự hiện diện của sinh vật phù du có khả năng phát quang với mật độ rất lớn trong nước. Có thể chúng là những động vật thuộc nhóm giáp xác hoặc sinh vật đơn bào, đơn cử là tảo biển. Loài tảo biển này ban ngày phát ra ánh sáng màu đỏ và cũng chính là nguyên nhân gây ra hiện tượng thủy triều đỏ khi chúng nở hoa rầm rộ với số lượng lớn. Ban đêm, chúng lại phát ra ánh sáng neon màu xanh, chuyển động trong nước biển và gây ra hiện tượng nêu trên. Đến nay, khả năng phát dạ quang của loài tảo nổi trên vẫn chưa có lời giải đáp hoàn toàn cặn kẽ. Theo kết quả nghiên cứu mới nhất cho hay, người ta đã phát hiện ra một chất đặc biệt trên màng tế bào của sinh vật phù du này.
Ánh sáng từ động vật được tạo ra bởi luciferin, một loại sắc tố, và một enzyme có tên luciferase. Luciferin phản ứng với oxy, còn luciferase giúp phản ứng này diễn ra nhanh hơn. Hàng loạt loài động vật – như bướm lửa, cá vây chân và sứa – sử dụng luciferin và luciferase để tạo ánh sáng.
Khả năng phát quang giúp động vật thoát khỏi sự chú ý của những kẻ săn mồi. Khi thấy ánh sáng từ con mồi, những “thợ săn” cũng phải đề cao cảnh giác, vì rất có thể kẻ thù của chúng sẽ tới nơi mà ánh sáng phát ra. Vì thế ánh sáng giúp những con vật nhỏ bé xua đuổi kẻ săn mồi.
Vẻ đẹp của bãi biển thuộc đảo Vaadhoo được ví như kỳ thú thiên nhiên giữa thiên đường Maldives. Nơi đây không chỉ được các nhà khoa học đặc biệt chú ý, còn khiến cho nhiều du khách ngỡ ngàng khi tới nghỉ dưỡng. Mới đây, trang du lịch nổi tiếng Globalb Grasshopper cũng bình chọn đảo Vaadhoo là một trong 10 địa danh đẹp nhất thế giới.
Ngoài ra, cảnh tượng bãi biển lung linh, huyền ảo vào ban đêm này còn xuất hiện nhiều ở bờ biển Toyama thuộc đảo Honshu, Nhật Bản. Nếu như ở thiên đường Maldives bãi biển phát sáng do loài tảo phát quang, thì ở Nhật Bản do hàng triệu con mực đom đóm, loài động vật biển có khả năng phát ra ánh sáng màu xanh dương, khi chúng đẻ trứng gần bờ.
Ban ngày mực đom đóm hoạt động ở các tầng nước sâu của Thái Bình Dương. Bằng cách phát ra ánh sáng nhấp nháy, chúng có thể thu hút các loài cá nhỏ và dùng xúc tu của để quấn con mồi. Chúng chỉ ngoi lên gần mặt nước để bắt mồi khi mặt trời lặn, rồi lại lặn xuống tầng nước sâu để nghỉ ngơi.
Hiện tượng phát quang trên cơ thể mực đom đóm, có chiều dài thân tối đa là 7 cm, được tạo nên bởi một phản ứng hóa học. Các bộ phận phát sáng nằm trong các xúc tu và dọc theo lưng của mực đom đóm. Bụng của chúng hầu như không phát sáng để những động vật săn mồi không thể thấy chúng.
Giới khoa học cho rằng ánh sáng của mực đom đóm giúp chúng tìm kiếm bạn tình tiềm năng, ngụy trang, cảnh báo đối thủ hoặc gây nhầm lẫn cho động vật ăn thịt để chúng có cơ hội lẩn trốn. Mực đom đóm là thành viên duy nhất trong họ mực có khả năng phân biệt màu sắc. Trong khi hầu hết động vật thân mềm chỉ có một sắc tố thị giác thì mực đom đóm có tới ba sắc tố thị giác. Chúng cũng có một võng mạc hai lớp ở mặt sau của mắt. Nhờ khả năng phân biệt màu sắc mà mực đom đóm nhận ra sự khác biệt giữa ánh sáng môi trường xung quanh và ánh sáng sinh học.