Nhà thờ Đức Bà Paris (Notre-Dame de Paris) là một trong những tượng đài mang tính biểu tượng và lâu đời nhất của thủ đô nước Pháp, nằm trong danh sách các thánh đường thiêng liêng nhất tại châu Âu.
Lịch sử hình thành
Nhà thờ Đức bà Paris hay còn gọi là Notre-Dame de Paris là một kiệt tác kiến trúc theo trường phái Gothique được xây theo lệnh của Vua Louis VII (trị vì nước Pháp từ năm 1120 – 1180). Những công trình sư của Pháp đặt viên đá đầu tiên xây dựng Nhà thờ Đức bà vào năm 1163, trước sự chứng kiến của Giáo hoàng Alexander III. Công trình dài 130 m và rộng 48 m phải đến năm 1345, tức gần 200 năm sau, mới hoàn thành, cộng thêm rất nhiều thay đổi, tu sửa trong những thế kỷ về sau.
Người ta gọi Nhà thờ Đức Bà Paris là thánh đường của mọi thánh đường trên đất nước hình lục lăng, với bề dày lâu đời nhất và chứng kiến những sự kiện quan trọng nhất trong lịch sử nước Pháp.
Công trình kiến trúc
Nhà Thờ Đức Bà có chiều dài 130, chiều ngang 48 thước, chiều cao 35 thước, có thể chứa được 6.500 người. Đây là một trong các công trình xây dựng có các cột chịu vòng cung bên ngoài nhờ đó bên trong có các cửa sổ kính màu rộng lớn đưa ánh sáng mặt trời rọi qua.
Hai tòa tháp ở hướng về phía tây của Nhà thờ Đức Bà, cao 69 m, được xây vào đầu thế kỷ thứ 13. Tòa tháp phía bắc có tổng cộng 387 bậc thang và cho phép du khách viếng thăm. Tòa tháp còn lại nằm về phía nam là nơi đặt 10 chuông lễ.
Phía mặt tiền nhà thờ có một cấu trúc thăng bằng và uy nghi. Ba cửa lớn không bằng nhau, cửa giữa cao nhất và rộng hơn hai cửa kia. Những cửa sắt lớn có những tượng nổi lên một nền vàng tượng trưng cho quyển thánh kinh bằng đá. Sáu cánh cửa lớn được trang trí bằng những cốt sắt uốn nắn tuyệt đẹp và những hình tượng các thánh điêu khắc trên cạnh những vòm cong. Phía trên ba khung cửa lớn ở ngoài mặt tiền nhà thờ, có một hàng 28 bức tượng đặt trong hốc hiện thân của những vua Judah và Do Thái.
Bên trong, ngay tại giữa thánh đường, hai hàng cột với vòm trần trên cao, tượng trưng cho lối kiến trúc Pháp vào thế kỷ 13: đường nét thanh thoát nhưng táo bạo với những chạm trổ tinh vi. Để soi sáng phía trong nhà thờ người ta làm rộng những cửa sổ. Đỡ những tháp là những trụ đường kính lên đến 1,6m. Những vụ tu bổ đòi hỏi rất nhiều công phu theo cách làm hồi xa xưa và cây đàn orgue được cấu tạo bởi 7800 ống đồng, kích thước khác nhau, phát ra một thứ âm vang ngân xa trầm bổng, làm dịu lại lòng người.
Cửa sổ hoa hồng tại nhà thờ Đức Bà Paris được đánh giá là những cửa sổ bằng tranh kính nổi tiếng nhất, hoàn hảo nhất. Ánh sáng chiếu qua cửa kính, khi vào nhà thờ sẽ được biến đổi thành các màu sắc khác nhau. Điều này làm cho không gian bên trong nhà thờ sáng một cách huyền ảo. Bên dưới cửa sổ là 28 bức tượng các vị vua đại diện cho 28 triều đại các vua Juda trước Chúa.
Biểu tượng của nước Pháp
Theo đài BBC, không có địa danh nào khác đại diện cho nước Pháp theo cách riêng biệt và độc đáo như Nhà thờ Đức Bà Paris. Đây là nhà thờ chính tòa của Pháp, nơi tổ chức đám cưới hoàng gia, nơi Napoleon Bonaparte lên ngôi vương và phong chân phước cho Joan of Arc và cũng là nơi công chúng tôn vinh cuộc sống của những người vĩ đại và tốt đẹp.
Ngay cả “đối thủ” chính về phương diện biểu tượng quốc gia với công trình này là tháp Eiffel, cũng chỉ có tuổi đời hơn một thế kỷ. Trong khi đó Nhà thờ Đức Bà Paris đã “sừng sững” giữa “kinh đô ánh sáng” từ những năm 1200. Nhà thờ Đức Bà Paris mỗi năm đón gần 13 triệu du khách tới thăm, nhiều hơn so với số du khách tới tham quan tháp Eiffel.
Vẻ đẹp của nhà thờ Đức Bà Paris được nhân lên trong văn học, với tiểu thuyết kinh điển “Nhà thờ Đức Bà Paris” của Victor Hugo, văn hào lỗi lạc của nước Pháp. Tác phẩm của Victor Hugo đã mang “nàng Esmeralda” hay “thằng gù Quasimodo” đi khắp thế giới, biến Nhà thờ Đức Bà Paris thành địa danh trong mơ của nhiều thế hệ độc giả toàn cầu.
Sau hơn 8 thế kỷ tồn tại, Nhà thờ Đức Bà Paris mang trên mình tất cả những giá trị lịch sử, tôn giáo, kiến trúc, văn hoá… để trở thành một trong những biểu tượng lớn nhất của nền văn minh Thiên Chúa giáo phương Tây. Nhà thờ Đức Bà Paris đã trở thành nơi hành hương và cầu nguyện của nhiều thế hệ người Công giáo tại châu Âu. Dù Công giáo không còn giữ vai trò to lớn ở nước Pháp trong nhiều thập niên trở lại đây, Nhà thờ Đức Bà luôn được xem là “trái tim không bao giờ ngừng đập” của giáo hội Công giáo Pháp khi mở cửa mỗi ngày cho người dân đến cầu nguyện,
Với nước Pháp, Nhà thờ Đức Bà Paris là bản sắc dân tộc sâu đậm nhất của quốc gia này. Điểm số 0 (km số 0) được đặt ngay mặt trước của Nhà thờ Đức Bà Paris là nơi xuất phát để tính toán mọi khoảng cách địa lí trong nước Pháp.
Đặc biệt, không chỉ riêng với Paris hay người dân nước Pháp, cả hàng triệu tín đồ công giáo ngắm nhìn cũng phải trầm trồ ghen tỵ khi Pháp có được ngôi nhà thờ nổi tiếng mang những di tích lâu đời.