Núi Bà thường được gọi là Núi Bà Ðen do truyền thuyết lưu truyền, có một người con gái tên là Ðênh sùng phật đạo, con một viên quan trấn thủ người Miên. Do từ chối ép duyên với con quan trấn vùng Trảng Bàng, nàng Ðênh bỏ nhà trốn lên núi xuất gia cầu đạo và chết ở đó. Sau này triều đình nhà Nguyễn đã cho đúc tượng đồng đen và sắc phong cho bà là “Linh Sơn Thánh Mẫu”.
Nằm trên địa phận xã Ninh Sơn thuộc thị xã Tây Ninh cách trung tâm thị xã chừng 11km về phía Tây Bắc, khu di tích danh thắng núi Bà gắn có nhiều hang động, đền đài, miếu thờ nhiều vị thần linh, tiên, thánh, Phật, trong đó vị thần chính là Bà Đen được sắc phong Linh Sơn Thánh Mẫu. Hàng năm tại núi Bà Đen có hai lễ hội được nhiều người biết đến: hội Xuân núi Bà diễn ra từ đêm 18 và ngày 19 tháng Giêng âm lịch và hội Vía Bà được tổ chức trong ba ngày 4, 5, 6 tháng Năm âm lịch.
Dịp Tết Nguyên đán, khi tiết trời còn mát mẻ, cảnh vật như được khoác lên một màu áo mới thì lòng người cũng hồ hởi hân hoan…, người ta rủ nhau đi trẩy hội núi Bà. Tuy vía Bà diễn ra từ đêm 18 và ngày 19 tháng Giêng nhưng trong suốt tháng Giêng và cả tháng Hai, núi Bà Đen trở nên đông vui với dòng người tấp nập tuốn về. Khách đến hành hương vì nhu cầu tín ngưỡng đã đành nhưng người đi phó hội vì muốn tham quan, giải trí chiếm tỷ lệ không nhỏ, nhiều người về đây như muốn hòa chung niềm vui cùng đất trời.
Từ chân núi, khách trẩy hội phải dùng chính sức mình để chinh phục ngọn núi. Khi đến lưng chừng, có thể ghé vào lễ tại đền Linh Sơn Thánh Mẫu trước khi tiếp tục theo đường mòn để lên chùa lễ Phật. Gần đỉnh núi còn có ngôi miếu Sơn thần, đứng tại đây khách có cảm giác như đang lạc vào chốn thần tiên khi nhiều đám mây là là dưới chân. Cũng từ đây khách có thể phóng tầm mắt bao quát toàn cảnh hồ Dầu Tiếng, một công trình thủy lợi vào hàng đẹp và lớn ở Việt Nam. Những người hành hương lên núi Bà thường thích xin những gói giấy đỏ trong đựng một nhúm gạo hoặc tiền lẻ như nhận lộc Bà đầu năm, với hy vọng một năm làm ăn phát lộc, phát tà
Khác với hội Xuân, hội Vía Bà là lễ hội quan trọng nhất trong năm, được tổ chức vào ba ngày 4, 5, 6 tháng Năm âm lịch. Hội Vía Bà khởi đầu bằng lễ Mộc Dục được tiến hành vào lúc 0 giờ ngày 4 tại điện thờ. Đây là một nghi thức trang nghiêm, người bên ngoài không được tham dự và cửa điện được đóng kín, đèn nến cũng tắt gần hết. Sáu phụ nữ trung niên trong đó có ba ni cô của nhà chùa sẽ cử hành nghi thức tắm tượng. Đầu tiên mọi người đến trước tượng Bà làm lễ thắp nhang, xin được phép tắm và thay áo cho Bà. Được nửa tuần nhang, dưới sự điều động của một phụ nữ cao tuổi trong nhóm, mọi người bắt đầu cởi áo khoác trên tượng Bà rồi chuyền tay nhau những gáo nước thơm được nấu từ các loại hoa sen, lài, sứ, quế, dầu thơm… dội lên tượng Bà, kỳ cọ sạch sẽ, sau đó dùng những chiếc khăn khô và sạch được xông hương để lau khô tượng Bà rồi khoác lên một bộ áo mới.
Khi nghi thức tắm và thay áo cho tượng Bà vừa kết thúc, các phụ nữ lại thắp nhang vái lạy Bà, lúc này nhang đèn trong điện cũng được thắp lên và các cửa điện mở ra cho khách hành hương vào lễ bái. Trong suốt ngày này tại Điện Bà diễn ra các nghi thức lễ hội dân gian gồm hát bóng rối chào mời, hát chặp bóng tuồng hài “Địa Nàng”, múa dâng bông, dâng mâm ngủ sắc, múa đồ chơi (múa lu, múa lục bình, múa bông huệ).
Ngày 5 là ngày lễ vía chính thức của Bà cũng là ngày hội núi Bà. Nghi lễ quan trọng nhất là “Trình thập cúng” dâng lên Bà 10 món gồm hương, đèn, hoa quả, trà bánh, rượu… Trong ngày này các vị sư thay nhau tụng kinh liên tục trước bàn thờ Bà. Ngày 6 dành cúng các cô hồn, uổng tử và chẩn tế cho bá tánh. Trong ngày này các sư sải tham dự sẽ đọc kinh sám hối siêu độ cho các oan hồn. Buổi chiều sau lễ cúng ngọ là lễ thí thực cô muối. Ban đêm các nhà sư tiếp tục các chầu kinh siêu độ cho bá tánh.
Dù được tổ chức vào ngày xuân hay ngày hè, lễ hội núi Bà vẫn có sức thu hút đặc biệt đối với nhiều du khách trong nước và ngoài cả du khách trong và ngoài tỉnh. Những nghi thức trong lễ hội núi Bà vừa có tính chất trang nghiêm của lễ thức Phật giáo, vừa mang sắc thái tươi vui rộn ràng của tín ngưỡng dân gian, chuyển tải một cách dung dị những ước mong của đại chúng về một cuộc sống ấm no, hạnh phúc…, thể hiện rõ nét đặc trưng của nền văn hóa dân gian Nam bộ.
Đến với Núi Bà Đen không chỉ tìm hiểu lễ hội đặc biệt ở nơi đây mà du khách còn được tham quan khám phá và nghe những câu chuyện truyền thuyết của ngọn núi tâm linh, sẽ mang lại cho bạn một chuyến tham quan đầy bổ ích tại Núi Bà Đen.