Một là cờ quốc kỳ bao gồm những yếu tố cấu thành như: hình dáng, màu sắc và biểu tượng tượng trưng. Mỗi yếu tố đều mang cho mình những ẩn số riêng và là hiện thân cho những điều hoàn toàn khác nhau. Nào, cùng Á Châu đi vòng quanh thế giới một chuyến nhé!
Ý nghĩa của quốc kỳ của một số quốc gia trong khu vực Châu Á
Trung Quốc
Quốc kỳ của Trung Quốc còn được gọi là Ngũ tinh hồng kì với bốn ngôi sao nhỏ tượng trưng cho lực lượng cách mạng gồm giai cấp công nhân, nông dân, tiểu tư sàn thành thị và tư sản dân tộc dưới sự lãnh đạo của đảng cộng sản Trung Hoa là ngôi sao lớn. Màu đỏ tượng trưng cho màu của cách mạng.
Hàn Quốc
Quốc kỳ của Hàn Quốc được gọi là Taegukgi. Màu trắng là màu truyền thống của quốc gia này, đại diện cho hòa bình và sự trong sạch. Màu đỏ và xanh tượng trưng cho các lực lượng xấu và tốt trong vũ trụ, hay còn gọi là âm và dương. 4 góc là 4 thẻ bài bát quái thể hiện các nguyên tắc vận động và hài hòa như 4 mùa, 4 hướng…
Nhật Bản
Quốc kỳ Nhật Bản là một hiệu kỳ hình chữ nhật màu trắng với một đĩa tròn màu đỏ lớn. Nền trắng đại diện cho sự trung thực, liêm chính và trong sạch của người Nhật trong khi vòng tròn màu đỏ là biểu tượng mặt trời.
Bhutan
Rồng là biểu tượng quan trọng với nhiều quốc gia châu Á, nhưng Bhutan nằm trong số ít các quốc gia có lá cờ mang hình loài vật này. Con rồng trên cờ Bhutan là Druk, rồng sấm huyền thoại của người Bhutan với 4 chân quắp 4 viên ngọc quý. Phần màu vàng tượng trưng cho truyền thống dân gian và phần màu đỏ tượng trưng cho Phật giáo tại Bhutan. Màu trắng của Druk biểu thị cho sự thanh khiết của những tư tưởng nội tâm và hành động nhằm đoàn kết toàn bộ nhân dân vốn đa dạng về dân tộc và ngôn ngữ. Những viên đá quý được giữ trong vuốt rồng tượng trưng cho sự thịnh vượng, an ninh và bảo hộ nhân dân tại Bhutan, trong khi miệng gầm gừ của rồng biểu thị cam kết của các thần linh về việc bảo hộ Bhutan.
Nepal
Đây là quốc gia duy nhất mà quốc kỳ không phải hình chữ nhật hoặc hình vuông. Hai tam giác chồng lên nhau này đại diện cho Ấn độ giáo và Phật giáo. Màu đỏ tượng trưng cho đỗ quyên, quốc hoa của Nepal, đồng thời là ký hiệu của chiến thắng và hòa hợp. Mặt trăng tượng trưng cho sự thanh thản và thời tiết mát mẻ trên dãy Himalaya, còn mặt trời là hiện thân cho sức nóng của các khu vực thấp của Nepal.
Việt Nam
Quốc kỳ Việt Nam hiện nay được công nhận chính thức từ 1976. Lá cờ mang nền đỏ tượng trưng cho màu cách mạng, màu máu của nhân dân đã đổ xuống trong các cuộc chiến giành độc lập. Ngôi sao vàng tượng trưng cho lí tưởng của Đảng với năm cánh sao tượng trưng cho năm tầng lớp sĩ, nông, công, thương và binh cùng đoàn kết.
Ý nghĩa của quốc kỳ của một số quốc gia trong khu vực Châu Âu
Vatican
Màu vàng tượng trưng cho sức mạnh tinh thần của Giáo hoàng, và màu trắng đại diện cho sức mạnh vật chất của người. Ở giữa phần trắng là huy hiệu của Tòa thánh gồm vương miện 3 tầng và hai chìa khóa thánh gác chéo.
Áo
Đây là một trong những lá cờ cổ xưa nhất thế giới. Theo truyền thuyết, vào năm 1191, sau trận chiến ác liệt trong cuộc Thập tự chinh lần thứ ba, chiếc áo dài trắng của Công tước Áo Leopold V bị dính đầy máu. Sau khi chiếc đai được bỏ ra để lộ một dải màu trắng muốt không vấy máu. Sự kết hợp giữa màu đỏ – trắng – đỏ đã được Công tước thiết kế cho mẫu cờ nước Áo.
Đan Mạch
Đan Mạch là một trong những quốc gia đầu tiên đưa biểu tượng thánh giá vào quốc kỳ của mình. Hình dáng lá cờ bắt nguồn từ huyền thoại trận chiến Valdemar với màu đỏ đại diện cho sức mạnh, dũng cảm và sự bất khuất, kiên cường.
Thụy Điển
Cờ Thụy Điển mang màu xanh dương là hiện thân cho lòng tin, sự trung thành và công lí trong khi màu vàng là biểu tượng của sự rộng lượng. Thêm vào đó, hình chữ thập đại diện cho cây thánh giá.
Phần Lan
Lá cờ này chính thức được công nhận là quốc kỳ của nước Cộng hòa Phần Lan vào năm 1918. Chữ thập Bắc Âu trên lá cờ gợi lên sự liên hệ với các nước láng giềng Thụy Điển, Đan Mạch, Na Uy và Iceland. Màu xanh đại diện cho bầu trời và quốc gia nghìn hồ trong khi màu trắng là hiện thân cho tuyết trắng.
Ý nghĩa của quốc kỳ của một số quốc gia trong khu vực Châu Mỹ
Argentina
Màu xanh nhạt và trắng đại diện cho bầu trời trong và tuyết trên dãy Andes. Mặt trời với hình mặt người được biết đến như “Mặt trời tháng 5”, đại diện cho nền độc lập Argentina cũng như Inti, thần mặt trời thời Inca.
Mexico
Màu đỏ quốc kỳ Mexico đại diện cho màu của quân đội giải phóng quốc gia và ở giữa là quốc huy Mexico, dựa trên biểu tượng kinh đô Tenochtitlan của nền văn minh Aztec.
Hoa Kỳ
50 ngôi sao đại diện cho 50 bang của Hoa Kỳ. 13 sọc đỏ trắng đại diện cho 13 tiểu bang đầu tiên tuyên bố độc lập. Màu đỏ tượng trưng cho lòng dũng cảm và nhiệt huyết, màu trắng thể hiện sự hy vọng trong khi màu xanh là hiện thân của lòng trung thành và công lí.
Ý nghĩa của quốc kỳ của một số quốc gia trong khu vực Châu Phi
Uganda
Sếu xám hoàng gia (loài đặc hữu của đồng cỏ châu Phi) xuất hiện trên cờ của Uganda với một chân nâng lên, tương trưng cho sự chuyển động về phía trước. Ba màu sắc trên lá cờ đại diện cho người dân (đen), ánh nắng (vàng) và tinh thần đoàn kết của châu Phi (đỏ).
Kenya
Quốc gia châu Phi cũng chọn hình mũi lao cho quốc kỳ. Cùng với màu đỏ ở trung tâm lá cờ, mũi lao tượng trưng cho sự bảo vệ và máu đã đổ xuống để giành độc lập. Màu đen ở phần trên của lá cờ tượng trưng cho người Kenya và dải màu xanh phía dưới tượng trưng cho khung cảnh của quốc gia này.
Nam Phi
Chữ Y màu xanh lá cây đại diện cho sự thống nhất quốc gia và sự trù phú, đất đai màu mỡ. Tam giác màu đen đại diện cho tầng lớp nhân dân và màu đỏ, trắng xanh được lấy từ màu của người nhập cư Boer.