Trong tâm trí của nhiều người, Trung Quốc chỉ là một quốc gia đông dân nhất thế giới, với bầu trời đầy ô nhiễm. Nếu bạn cũng nghĩ như vậy, thì hãy thử xem bộ ảnh dưới đây, để biết được, đất nước Trung Quốc đẹp như thế nào, và đáng để trải nghiệm ra sao, đặc biệt đáng để nhắc nhớ đến nhất vẫn là Phượng Hoàng Cổ Trấn.
Quên lối về với vẻ đẹp của Phượng Hoàng Cổ Trấn
Phượng Hoàng (Fenghuang) là tên một cổ trấn của Trung Quốc nằm tại huyện Phượng Hoàng, Châu tự trị người Thổ Gia, người Miêu Tương Tây ở phía tây tỉnh Hồ Nam (Hunan). Nó cách Cát Thủ (吉首)(Jishou) khoảng 53 km, cách địa cấp thị Hoài Hóa khoảng 92 km và cách địa cấp thị Trương Gia Giới khoảng 280 km.
Khác với mảnh đất Hồ Nam phồn hoa đô thị, thị trấn nhỏ Phượng Hoàng dường như còn “ngái ngủ” sau 1.300 năm tuổi. Mảnh đất này được người xưa chọn làm nơi an cư lạc nghiệp , đã để lại những di sản bất hủ về cả kiến trúc thượng tầng lẫn văn hóa dân tộc tồn tại đến ngày nay. Những ngôi nhà cổ áp sát vào núi và soi bóng xuống dòng Đà Giang tạo nên bức tranh sơn thủy hữu tình, khiến Phượng Hoàng trở thành địa danh mà ai cũng muốn một lần được đặt chân đến.
Bao thăng trầm của lịch sử, bao biến động của thời gian, những con người đến rồi đi, song nơi đây vẫn vẹn nguyên nét đẹp hoài cổ và bình dị. Dọc sông Đà Giang chỉ khoảng 5 km nhưng có rất nhiều cây cầu, có cầu gỗ, cầu đá nhưng đặc biệt nhất có lẽ là Hồng Kiều duyên dáng với kiến trúc độc đáo có mái che. Đây là chiếc cầu được thiết kế theo phong cách “Phượng Hoàng” đặc trưng.
Đứng từ bên đây cầu nhìn sang phía bên kia cầu, bạn sẽ thấy thấp thoáng Phượng Hoàng cổ trấn trải dài với những ngõ sâu hun hút, những ngôi nhà rêu phong với mái ngói cổ âm dương dày đặc, màu xám như đá tai mèo. Những tượng phù điêu trên đầu mái cong vút một cách đầy kiêu hãnh. Bước chân vào cổ trấn có tuổi đời 1.300 năm này, du khách sẽ có cảm giác như mình đi lạc vào câu chuyện cổ tích.
Thật không ngoa khi nâng tầm vẻ đẹp của Phượng Hoàng Cổ Trấn thành “xứ thiên đường”, nơi mà ai cũng nhất định phải ghé thăm 1 lần trong đời. Sự thật về vẻ đẹp của Phượng Hoàng Cổ Trấn còn lung linh và huyền bí hơn bất kì tấm ảnh chụp lại nào. Chỉ khi bạn trực tiếp ghé thăm nơi đây, thu trọn vào trong tầm mắt mình những nét đẹp hoài cổ và kiêu sa của mảnh đất Phượng Hoàng này thì câu trả lời rõ nhất cho “thực hư về vẻ đẹp của Phượng Hoàng Cổ Trấn” mới được chính bạn giải đáp.
Kinh nghiệm du lịch Phượng Hoàng Cổ Trấn – Trung Quốc
Thời gian du lịch lý tưởng
Mùa cao điểm ở Phượng Hoàng Cổ Trấn khoảng tháng 5 đến tháng 11. Theo kinh nghiệm của Á Châu, ở bất kỳ điểm du lịch nào của Trung Quốc, nếu có thể hãy đi vào giữa tuần cho vắng.
Nếu không, bạn hãy chọn thời điểm đi sau những ngày lễ lớn. Quan trọng là tránh bớt những thời điểm đông khách du lịch để không phải chen lấn và xô bồ.
Đổi tiền
Ở Phượng Hoàng Cổ Trấn, nếu bạn chỉ đi chơi, chụp ảnh và ăn vài món địa phương thì chỉ cần đổi khoảng 1 triệu đồng là thấy “như đại gia” rồi. Đa số các món ăn ở đây đều rơi vào khoảng 5 nhân dân tệ (1 nhân dân tệ chưa đến 3.600 đồng).
Vé máy bay và visa Trung Quốc
Về visa, bạn sẽ mất 5 ngày nếu làm dịch vụ và hơn 1 tuần trong trường hợp tự làm. Xin visa Trung Quốc không quá khó nên bạn đừng lo. Nếu bạn đang có những thắc mắc liên quan đến visa du lịch Trung Quốc, bạn có thể liên hệ với Á Châu theo hotline: 0988.011.249 để được tư vấn miễn phí và hỗ trợ nhé!
Về vé máy bay, mình bay hãng China Southern từ Sài Gòn sang Quảng Châu, nối chuyến tới Trương Gia Giới rồi đi xe khách khoảng 4 giờ là tới Phượng Hoàng Cổ Trấn.
Khách sạn
Điểm đặc biệt cần lưu ý là khách sạn ở Trung Quốc đều không chuẩn bị các dụng cụ cá nhân cơ bản như bàn chải, kem đánh răng, dao cạo râu… Nếu muốn sử dụng, bạn sẽ phải chi trả thêm chi phí ngoài tiền thuê phòng. Còn lại, chỗ ở khá sạch sẽ và an toàn.
Ngôn ngữ
Không may là ở Trung Quốc, đặc biệt là ở những vùng thôn quê như Phượng Hoàng Cổ Trấn, hầu hết mọi người đều không ai hiểu và nói được tiếng Anh, kể cả tiếp viên hàng không. Tốt nhất trước khi đi, bạn nên soạn sẵn hình ảnh cần sử dụng (bao gồm cả đồ ăn và địa điểm du lịch) rồi chỉ cho người dân địa phương là họ sẽ chỉ mình nhiệt tình. Các bạn cũng nên ghi lại những địa điểm cần thiết như tên khách sạn, tên đường trong trường hợp cần thiết.
Về chuyện tính tiền, trước khi mua gì, bạn nên chỉ chính xác món bạn muốn mua rồi chìa phần mềm máy tính trên điện thoại ra cho họ bấm. Đồng ý thì giơ tay ra hiệu mình muốn bao nhiêu cái.
Sim và Internet
Á Châu khuyên các bạn là không nên mua sim vì sim Trung Quốc bật vào mạng được trong “một hơi thở là đứng hình”. Bạn nên chịu khó dùng wifi ở khách sạn cập nhật tin tức (mạng gần như chỉ đủ để bạn đọc tin và nhắn tin).
Ngoài ra, bạn nên cài sẵn ứng dụng VPN (Virture Private Network) vì Trung Quốc chặn hoàn toàn Facebook và Viber. Ứng dụng này sẽ giúp bạn “vượt tường lửa một cách ảo diệu” để check-in sống ảo trong thời gian còn ở Trung Quốc.
Ăn uống
Đồ ăn ở đây khá lạ với khẩu vị người Việt. Có hai vị lấn át rõ ràng ở đồ Trung là nhạt và ngấy dầu mỡ. Nếu không quen, các bạn sẽ nhanh chóng cảm thấy ớn vì họ toàn ăn thịt, mà thịt phải gọi là “mỡ kẹp”. Gà bên này chặt như xương vụn. Các món đặc sản bạn nên thử là đậu phụ thối, bánh tép chiên, lẩu cá cay, đồ nướng và kẹo gừng… Đồ ăn mua về làm quà có chân gà sốt cay đóng gói, táo tàu sấy khô và trái cây các loại.